(TIEM1996) – Vitamin A (3 – Dehydroretinol) là một vitamin tan trong dầu, có trong rất nhiều thực phẩm như trái cây, rau xanh, trứng, sữa nguyên kem, bơ, thịt… Qua bài viêt sau, chúng ta cùng tìm hiểu những kiến thức chi tiết như Vitamin A là gì?Vitamin A có tác dụng gì? Và Vitamin A có trong thực phẩm nào? Các bạn cùng TIEM1996 tham khảo để áp dụng nhé.
Vitamin A là gì?
Vitamin A tồn tại dưới hai dạng: vitamin A thành hình và tiền chất vitamin A. Vitamin A thành hình là dạng hoạt động của vitamin A (cơ thể có thể sử dụng ngay mà không cần biến đổi), bao gồm các chất retinol, retinal và retinoic acid.
Tiền chất vitamin A là các carotenoid (là nhóm các chất hóa học có màu vàng hoặc màu cam được tìm thấy trong thực vật, một số trong đó qua quá trình chuyển hóa trong cơ thể con người tạo ra dạng hoạt động của vitamin A) bao gồm alpha – carotene, beta – carotene và beta – cryptoxanthin.
Vitamin A là tên của một nhóm các hợp chất hòa tan trong chất béo. Vitamin A có ở trong nhiều loại thức ăn, ở các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật vitamin A tồn tại dưới dạng retinol và retinyl este, còn trong thực vật nó tồn tại dưới dạng caroten (tiền vitamin A). Gan động vật, lòng đỏ trứng, rau cải xanh, cà rốt, bí đỏ,… là những thực phẩm có chứa nhiều vitamin A.
Để hấp thụ Vitamin A, cơ thể bạn phải chuyển đổi các dạng Vitamin trong thực phẩm thành các dạng hoạt động của vitamin A là axit retinal và axit retinoic.
[block id=”danh-sach-san-pham-am-thuc”]
Vitamin A có tác dụng gì?
1. Vitamin A tốt cho mắt và ngừa thoái hóa điểm vàng
Vitamin A rất cần thiết cho thị lực và sức khỏe của mắt. Retinal, dạng hoạt động của vitamin A, kết hợp với protein opsin để tạo thành rhodopsin, một phân tử cần thiết cho khả năng nhìn màu và nhìn trong bóng tối.
Nó cũng giúp bảo vệ và duy trì giác mạc – lớp ngoài cùng của mắt và kết mạc – một lớp màng mỏng bao phủ bề mặt mắt và bên trong mí mắt của bạn
Chế độ ăn uống đầy đủ vitamin A giúp bảo vệ và chống lại một số bệnh về mắt, chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Các nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ beta-carotene, alpha-carotene và beta-cryptoxanthin trong máu cao hơn có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng lên đến 25%.
Theo WHO, thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ em trên toàn thế giới.
2. Vitamin A tốt cho da
Da là cơ quan phản ứng với retinoid (một dạng của vitamin A) và có thể dễ dàng hấp thụ vitamin A khi bôi tại chỗ. Vitamin A kích thích sản sinh tế bào da mới. Thiếu vitamin A có thể gây khô da, nứt nẻ da.
Theo nghiên cứu về retinoid trong điều trị lão hóa da, sự thiếu hụt retinol cũng có thể gây tăng sừng nang lông, và gây ra các sẩn nổi lên trên da.
Các nghiên cứu được báo cáo trong nghiên cứu độc chất cũng chỉ ra rằng retinol có hiệu quả trong việc kích thích sản xuất collagen và giảm nếp nhăn khi sử dụng tại chỗ.
3. Vitamin A có thể bảo vệ khỏi một số bệnh ung thư
Do đặc tính chống oxy hóa của carotenoid (tiền chất của vitamin A) có thể giúp bảo vệ và chống lại một số loại ung thư.
Ví dụ, một nghiên cứu trên 10.000 người trưởng thành đã xác định rằng những người hút thuốc có nồng độ alpha-carotene và beta-cryptoxanthin trong máu cao nhất có nguy cơ tử vong do ung thư phổi thấp hơn 46% và 61% so với những người không hút thuốc với lượng tiêu thụ thấp nhất trong số các chất dinh dưỡng này.
Hơn nữa, các nghiên cứu trong ống nghiệm chứng minh rằng retinoid có thể ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư, chẳng hạn như ung thư bàng quang, ung thư vú và ung thư buồng trứng.
4. Vitamin A quan trọng cho khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi
Vitamin A quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Nó cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của nhau thai, sự phát triển và duy trì mô của thai nhi, cũng như sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, vitamin A không thể thiếu đối với sức khỏe của bà mẹ và thai nhi và những người đang trong giai đoạn sinh sản.
5. Vitamin A giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Caroten tiền chất của vitamin A là chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào cơ thể, kích thích các phản ứng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và các yếu tố gây hại.
Vitamin A tham gia vào việc tạo ra các tế bào nhất định, bao gồm cả tế bào B và tế bào T, là những thành phần đóng vai trò trung tâm trong các phản ứng miễn dịch bảo vệ chống lại bệnh tật.
[block id=”danh-sach-san-pham-am-thuc”]
Nhu cầu Vitamin A khuyến nghị
Bảng nhu cầu Vitamin A khuyến nghị (Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, 2007)
Vitamin A có trong thực phẩm nào
Vitamin A có trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể chúng ta có thể được bổ sung đầy đủ vitamin A qua chế độ ăn hàng ngày. Những loại thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa nhiều vitamin A như gan động vật, lòng đỏ trứng, dầu gan cá,…
Đối với những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, vitamin A thường có nhiều trong các loại rau củ có màu vàng, đỏ, hoặc màu xanh đậm như cà rốt, cà chua, bông cải xanh, ớt chuông,…
Lưu ý để bổ sung Vitamin A đúng cách
Cải thiện bữa ăn hằng ngày
Bảo đảm ăn uống đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng và vitamin A. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ.
Chế độ ăn bổ sung của trẻ cần có thức ăn giàu vitamin A như:
- Thức ăn nguồn gốc động vật: Trứng, cá, thịt, gan, bầu dục, tôm…
- Thức ăn nguồn gốc thực vật: Ở nước ta, các loại rau có hàm lượng Beta -caroten đáng chú ý là rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, quả chín như đu đủ, xoài…
- Ngoài ra, thức ăn bổ sung của trẻ cần có dầu hoặc mỡ để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D. Tăng cường giáo dục truyền thông đại chúng để nâng cao kiến thức cho người dân về cách phòng chống thiếu vitamin A, hướng dẫn thực hành để các gia đình biết cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vitamin A cho bữa ăn gia đình và chăm sóc sức khỏe.
Bổ sung viên nang vitamin A liều cao
- Bổ sung vitamin A liều cao là thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao được uống vitamin A định kỳ hàng năm, thông thường 6 tháng một lần.
- Đối tượng được bổ sung viên nang vitamin A liều cao: bổ sung vitamin A 6 tháng một lần cho trẻ 6-36 tháng tuổi (có thể mở rộng đến 60 tháng tuổi ở những nơi khó khăn, có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao) và các bà mẹ trong vòng một tháng sau sinh.
- Tháng 3/2011, tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị ngừng bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ sau sinh do nhiều nghiên cứu không thấy hiệu quả, tuy nhiên Việt Nam đang thảo luận và chưa áp dụng khuyến nghị này.
Phác đồ bổ sung vitamin A hiện tại như sau:
- Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng tuổi uống theo chiến dịch vào ngày vi chất dinh dưỡng 1-2 tháng 6 (đợt 1) và kết hợp với ngày tiêm chủng tháng 12 (đợt 2) hàng năm với liều 100.000 đơn vị cho trẻ 6-12 tháng tuổi, 200.000 đơn vị cho trẻ 12-36 tháng tuổi. Với trẻ < 6 tháng tuổi không được bú mẹ cho uống 50.000 đơn vị.
- Ngoài các chiến dịch, chương trình còn bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A (trẻ dưới 6 tháng không được bú mẹ, trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, sởi) và bà mẹ trong tháng đầu sau sinh (để tăng cường vitamin A trong sữa mẹ). Ở một số tỉnh khó khăn; những vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A cao, thì các trẻ từ 37-60 tháng tuổi cũng được bổ sung 200.000 đơn vị vitamin A, một năm 2 lần.
- Với bà mẹ sau khi sinh con trong vòng một tháng cần bổ sung uống 1 liều viên nang vitamin A 200.000 IU/ 1 lần.
Đối với trẻ phát hiện bị khô mắt cần phải điều trị nhanh chóng, kịp thời. Tất cả các trường hợp mắc bệnh từ quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô loét giác mạc đều được cấp tốc điều trị theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế Giới như sau:
- Ngay lập tức: cho uống 200.000 IU vitamin A.
- Ngày hôm sau: uống tiếp 200.000 IU vitamin A.
- Một tuần sau: uống nốt 200.000 IU vitamin A.
- Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
- Chú ý: Với trẻ dưới 12 tháng dùng nửa liều trên (mỗi lần uống 100.000 IU vitamin A).
Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn
Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng chống thiếu vitamin A, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh tác động đến mắt nên đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ thiếu vitamin A. Do đó, công tác phòng chống bệnh thiếu vitamin A cần nằm trong chương trình phòng chống các bệnh thiếu dinh dưỡng và nhiễm khuẩn và được triển khai lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Phòng chống thiếu vitamin A cần phối hợp với phòng chống suy dinh dưỡng, không những thực hiện tốt cho đối tượng trẻ em mà cần quan tâm đến cải thiện tình trạng vitamin A ở người mẹ.
Lời Kết
Qua bài viết trên, bạn đã cùng TIEM1996 tìm hiểu rõ về Vitamin A là gì? Và Vitamin A có tác dụng gì? Rất mong chia sẻ của TIEM1996 hữu ích và giúp bạn có thêm một kiến thức ẩm thực hay áp dụng vào cuộc sống để có một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
[block id=”bai-viet-lien-quan-chia-se-bi-quyet-am-thuc”]